Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Yên Thái, huyện Yên Định (Thanh Hóa) do Liên danh giữa Công ty Cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La và Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Sông Lam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư ở giai đoạn 1 khoảng 716 tỷ đồng.
Tại quyết định số 1540/QĐ-UBND ngày 11/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời được đặt tại xã Yên Thái, huyện Yên Định.
Các tấm pin năng lượng mặt trời đang được lắp đặt trên mặt hồ tại xã Yên Thái, huyện Yên Định
Theo quyết định, tổng vốn đầu tư của dự án là khoảng hơn 809 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu từ 2 công ty là 242,7 tỷ đồng (30%), vốn vay ngân hàng thương mại là 566,5 tỷ đồng (chiếm 70%). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Diện tích đất sử dụng cho dự án là gần 650.000m2
Nhà máy điện mặt trời được thiết kế công suất 30MW, với một hệ thống gồm các hạng mục chính là 90.640 tấm pin năng lượng mặt trời, nhà điều khiển trung tâm và thiết bị biến đổi điện DC/AC; nhà làm việc; hệ thống 30 máy biến áp; hành lang vận hành và kiểm tra các module pin mặt trời lắp đặt các thiết bị kết nối các module; hệ thống cáp điện...,trên diện tích gần 290.000m2
Mục tiêu đầu tư của dự án này là sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời nhằm cung cấp nhu cầu điện trong tỉnh và cả nước, góp phần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước.
Nhà máy đã được khởi công vào tháng 10/2017, đến thời điểm này đã hoàn thiện được 95%, dự kiến đầu tháng 2/2019 sẽ hoàn thành nhà máy. Tổng vốn đầu tư ở giai đoạn 1 của dự án là khoảng hơn 716 tỷ đồng.
Một phần của dự án vẫn đang quá trình hoàn thiện
Nhà máy sẽ có công suất 30MW, với sản lượng điện 45 triệu kW/h. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 12/2018, nhà máy phát được 10MW hòa vào lưới điện quốc gia.
Ông Vũ Đình Mỳ, Giám đốc Ban điều hành công ty Cổ phần năng lượng Sông Lam Sơn La đánh giá, so với các tỉnh thành trong cả nước, Thanh Hóa là địa phương có số giờ nắng kém nhất, chỉ khoảng 1500 – 1600 giờ nắng/năm, trong khi so với các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là khoảng 2100 – 2200 giờ nắng/năm.
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện Yên Định, kiểm tra tiến độ của nhà máy điện năng lượng mặt trời, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng ghi nhận những nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp, đồng thời đề nghị chủ đầu tư có văn bản gửi UBND tỉnh cùng các ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục liên quan, giao huyện Yên Định và các ngành liên quan có trách nhiệm tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trong việc triển khai và đi vào hoạt động sau này.
Công ty CP năng lượng Sông Lam Sơn La có địa chỉ tại đường Nguyễn Văn Linh, phường Tô Hiệu, TP Sơn La, tỉnh Sơn La và do Ông Nguyễn Như Hùng là Chỉ tịch HĐQT.
Được biết, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng thuế vào ngân sách của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng/năm.
(Theo Báo Thanh hóa)